Nếu bạn là người thích xem và chụp ảnh pháo hoa thì hãy đến Nhật vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Rất nhiều lễ hội pháo hoa sẽ diễn ra vào thời gian này.
Pháo hoa (người Nhật gọi là Hanabi) có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng sau khi đến Nhật vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN đã được nghiên cứu để phát triển thành một nghệ thuật trình diễn ánh sáng. Lịch sử Hanabi gắn liền với tên tuổi của Tamaya và Kagiya – hai nghệ nhân đã phát triển và nâng tầm pháo hoa. |
Theo các sách du lịch Nhật, lễ bắn pháo hoa đầu tiên được tổ chức tại Edo (Tokyo hiện nay) vào năm 1733 để cầu siêu cho những người chết trong dịch bệnh và thất mùa. Ban đầu, những màn trình diễn pháo hoa có phần đơn giản, nhưng khi nước Nhật mở rộng giao thương, có rất nhiều hàng hóa được nhập về, pháo hoa từ đó cũng ngập tràn sắc màu với muôn hình vạn trạng. |
Lễ hội pháo hoa thường diễn ra vào những ngày cuối tuần tại các bờ biển, sông, hồ và những nơi thoáng đãng trên khắp nước Nhật. Ngay từ tháng 6, một số trang mạng uy tín của Nhật đã cho đăng tải tỉ mỉ những nơi diễn ra lễ hội, pháo hoa sẽ bắn bao nhiêu quả, trong vòng bao nhiêu phút. Điểm lý tưởng và cách đi đến để vui chơi, ngắm pháo hoa. |
Các trang này cũng có những lưu ý cho du khách: tháng 7 và 8 là tháng có nhiệt độ ẩm cao nhất trong năm tại Nhật, cũng là mùa mưa giông. Đến Nhật mùa này, bạn cần trang bị các loại thuốc bôi chống côn trùng, trang phục chống mưa và dù. |
Tháng 8 là cao điểm nghỉ hè – mùa đi chơi của học sinh Nhật. Ngoài những lễ hội pháo hoa còn có Obon – lễ hội cúng tổ tiên diễn ra từ ngày 13 đến 16/8. Những ngày này các phương tiện đi lại và các điểm nghỉ ngơi giá rẻ sẽ chật cứng du khách lẫn người địa phương. |
Để có thể thưởng lãm trọn vẹn những màn biểu diễn pháo hoa tuyệt đẹp, nhiều người (thường là người trẻ) thường chọn cách cắm trại qua đêm với túi ngủ, lều, tấm trải ở những nơi thoáng đãng nhất. Ngoài ngắm, chụp ảnh pháo hoa, đây còn là dịp để bạn tha hồ thưởng thức các món ăn truyền thống mùa hè tại các lều bạt dựng lên chung quanh khu vực có bắn pháo hoa và mua trang phục, đồ lưu niệm. |
Du khách chờ đêm xuống để ngắm pháo hoa. |
Và dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ vào hôm sau |
Những du khách có kinh nghiệm đi xem và chụp ảnh pháo hoa sẽ nhắn tin cho nhau về những địa điểm ngắm đẹp, mua nước uống, bánh kẹo, cơm lót dạ qua đêm ở đâu rẻ… Có những điểm nước uống sẽ có giá cao hơn bình thường (do khó vận chuyển). Buổi tối thì hàng quán nghỉ bán, nên thức khuya sẽ đói mà không có gì ăn. |
Lễ hội pháo hoa ở Abiko Station. |
Nếu muốn xem và có những bức ảnh đẹp, bạn cũng nên tránh đến lễ hội pháo hoa được cho là hoành tráng nhất ở ven sông Sumida. Tại đây sẽ có 20.000 phát pháo hoa được bắn, du khách thì có khoảng 900.000 người chen chúc cùng xem nên rất khó để bạn chụp ảnh đẹp. |
Hiện nay với nhiều người Nhật, lễ hội Hanabi với lễ hội hoa anh đào luôn là một sự kiện trọng đại, được mong chờ hàng năm. Cũng như mùa hoa anh đào, vào mùa pháo hoa sẽ có rất nhiều người dân và du khách đi dạo trong trang phục yukata (kimono mùa hè), uống nước giải khát lạnh và mang uchiwa (quạt) tại các địa điểm bắn pháo hoa vào những đêm hè oi bức. Rồi khi ngắm những bông pháo rực rỡ nở tung trên bầu trời đêm, các gia đình lại tổ chức ăn uống. |
Mùa hè ở Nhật cũng ngập tràn màu xanh của thiên nhiên. |
Đêm của pháo hoa, ngày của màu xanh. Mùa hè cũng là thời điểm vào mùa cấy lúa của người Nhật, cũng là mùa những cơn mưa tưới mát cỏ cây để không gian ngập tràn trong màu lá xanh của những rừng cây anh đào, những cây sồi, phong, thông, tùng, đi cùng những hàng tre đu mình trong gió. |